Hoàn cảnh ra đời hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam
Là một quốc gia thuộc địa của Pháp trong gần một trăm năm, Việt Nam chịu ảnh hưởng của Pháp trên nhiều phương diện trong đó có kế toán. Sau năm 1954, Việt Nam bị chia đôi và ở hai miền, kế toán có những sự phát triển khác nhau. Miền Bắc chịu ảnh hưởng nhiều của hệ thống kế toán Trung quốc với các chế độ kế toán quy định cách thức ghi chép các nghiệp vụ cho các đối tượng cụ thể (ví dụ Chế độ kế toán xí nghiệp công nghiệp và Chế độ kế toán kiến thiết cơ bản được ban hành năm 1957). Từ năm 1970, Bộ Tài chính bắt đầu đổi mới kế toán theo hướng hệ thống thống nhất của Liên Xô (cũ) với Hệ thống tài khoản kế toán thống nhất năm 1970 và một loạt các quy định về chế độ báo cáo kế toán, chế độ ghi chép ban đầu… (Bộ Tài chính, 2001). Hệ thống kế toán Việt Nam theo hệ thống kế toán Trung quốc thể hiện đối với các hình thức ghi sổ như Nhật ký chung, Nhật ký sổ cái, Chứng từ ghi sổ và áp dụng theo hệ thống kế toán Liên Xô (cũ) với các hình thức ghi sổ như Nhật ký chứng từ, Phương pháp số dư…
Tại miền Nam, trong giai đoạn 1954 – 1975, hệ thống kế toán Pháp theo Tổng hoạch đồ vẫn được các doanh nghiệp sử dụng. Lý do là mặc dù chi phối nhiều đến chính trị, quân sự và kinh tế nhưng Hoa Kỳ không đưa hệ thống quản lý của họ vào Việt Nam và ảnh hưởng của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam còn rất lớn thời bấy giờ (Bui & Cooper, 2011).
Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, hệ thống kế toán thống nhất 1970 được tiếp tục sử dụng trong cả nước cho đến khi Việt Nam tiến hành đổi mới. Trong xu hướng chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), Nhà nước đã có nhiều thay đổi trong chính sách kế toán nhằm nâng cao tính pháp lý trong quản lý kinh tế như ban hành Pháp lệnh kế toán thống kê (1988). Trong thời gian này, đây là văn bản pháp lý cao nhất về kế toán và thống kê của Việt Nam. Hệ thống kế toán đầu tiên thể hiện hướng cải cách này được áp dụng năm 1990. Một số nội dung mới phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế mới phát sinh như chênh lệch tỷ giá đã được đưa vào kế toán thời kỳ này dù chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn ghi chép trên tài khoản.
Quá trình thực hiện chính sách đa phương hóa về ngoại giao và kinh tế những năm sau đó thúc đẩy những đổi mới trong nhiều lĩnh vực. Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên được ban hành năm 1987 đã thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp mạnh mẽ vào Việt Nam cũng như sự du nhập của các hệ thống kế toán nước ngoài vào Việt Nam. Hoạt động kinh tế phong phú hơn với nhiều thành phần kinh tế và các giao dịch mới đòi hỏi phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong kế toán. Quyết định 1141 TC/QĐ/CĐKT năm 1995 về việc ban hành hệ thống Chế độ kế toán doanh nghiệp được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế của Bộ Tài chính đã đáp ứng nhu cầu cần thiết trong giai đoạn phát triển này. Quyết định này gồm 4 nội dung cơ bản: Hệ thống tài khoản kế toán; Hệ thống báo cáo tài chính; Chế độ chứng từ kế toán; Chế độ sổ kế toán.
nguồn : luận văn kế toán
Nhận xét
Đăng nhận xét